Nội dung bài viết
Những lầm tưởng giữa Nhãn hiệu và Tên thương mại
1. Nhãn hiệu
Nhãn hiệu là những dấu hiệu dùng phân biệt hàng hóa, dịch vụ cùng loại của các cơ sở sản xuất, kinh doanh khác nhau.
Nhìn chung bất kì chữ cái, từ ngữ, chữ số, hình vẽ, màu sắc, hình ảnh, sự sắp đặt, tiêu đề quảng cáo nhãn hàng hoặc sự kết hợp các yếu tố kể trên được sử dụng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các công ty khác nhau có thể coi là nhãn hiệu.
Ở một số nước, các khẩu hiệu quảng cáo cũng được coi là nhãn hiệu và có thể được đăng kí một cách bình thường tại các cơ quan nhãn hiệu quốc gia.
Ngày càng có nhiều nước cho phép việc đăng kí nhãn hiệu ít tính truyền thống hơn như dấu hiệu ba chiều (ví dụ: chai Coca-cola hoặc thanh socola Toblerone), dấu hiệu nghe thấy được (âm thanh, ví dụ, tiếng gầm của sư tử được sử dụng trước các bộ phim do tập đoàn Metro- Goldwyn-Mayer sản xuất) hoặc dấu hiệu khứu giác (mùi, ví dụ nước hoa).
Tuy nhiên, nhiều nước giới hạn về nhãn hiệu có thể được đăng kí làm nhãn hiệu, nhìn chung, chỉ cho phép đăng kí các nhãn hiệu có thể nhìn thấy được hoặc có thể được thể hiện theo hình họa.
Những nhãn hiệu của Unilever Việt Nam sử dụng
2. Tên thương mại
Tên thương mại là tên gọi của tổ chức cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh để phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh.
Ví dụ: công ty Honda Việt Nam, cửa hàng vàng bạc Bảo Tín Minh Châu, CÔNG TY TNHH QUỐC TẾ UNILEVER VIỆT NAM
3. Nhãn hiệu khác với tên thương mại
Nhiều người tin rằng nếu họ đăng kí thành lập doanh nghiệp và tên thương mại của họ trong giấy đăng kí kinh doanh thì tên gọi này cũng sẽ tự động được bảo hộ như là nhãn hiệu. Đây là một sự hiểu nhầm phổ biến. Việc hiểu rõ sự khác nhau giữa nhãn hiệu và tên thương mại là rất quan trọng:
Tên thương mại là tên gọi đầy đủ của doanh nghiệp, ví dụ “công ty trách nhiệm hữu hạn Blackmark” và nó gắn liền với công ty, nó thường có các từ ngữ viết tắt thể hiện hình thức pháp lý của công ty như “trách nhiệm hữu hạn- TNHH”, “tập đoàn- Inc”, v.v…
Tuy nhiên nhãn hiệu để phân biệt (các) sản phẩm của công ty với (các) sản phẩm của công ty khác.
Một công ty có thể có nhiều nhãn hiệu: ví dụ công ty TNHH Blackmark có thể bán một sản phẩm của họ với nhãn hiệu Blackmark nhưng lại bán sản phẩm khác với nhãn hiệu Redmark.
Các công ty có thể sử dụng một nhãn hiệu để nhận dạng tất cả các sản phẩm của họ hoặc một số chủng loại sản phẩm nhất định hoặc chỉ một loại sản phẩm cụ thể mà họ sản xuất.
Một số công ty cũng có thể sử dụng tên thương mại hoặc một bộ phận của chúng làm nhãn hiệu và do đó phải xem xét đăng kí chúng làm nhãn hiệu.