Các biện pháp xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu

by admininss
Các biện pháp xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu

1. Biện pháp dân sự

Biện pháp dân sự trong xử lý vi phạm quyền SHTT đối với nhãn hiệu là các biện pháp cưỡng chế của Nhà nước do Tòa án áp dụng đối với cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm quy định pháp luật dân sự về Sở hữu công nghiệp gây tổn hại cho các cá nhân, tổ chức khác.

Được áp dụng để xử lý hành vi xâm phạm theo yêu cầu của chủ thể quyền sở hữu công nghiệp hoặc của tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do hành vi xâm phạm gây ra, kể cả khi hành vi đó đã hoặc đang bị xử lý bằng biện pháp hành chính hoặc biện pháp hình sự.

Thủ tục yêu cầu áp dụng biện pháp dân sự, thẩm quyền, trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp dân sự tuân theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự. Mục đích cơ bản của việc áp dụng các chế tài dân sự trong việc bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp là nhằm khôi phục lại các lợi ích (chủ yếu là các lợi ích kinh tế) của chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp khi quyền dân sự của họ đã được pháp luật bảo hộ bị xâm phạm trên thực tế.

Theo quy định của Bộ luật dân sự hiện hành, cá nhân, tổ chức có hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp có thể bị áp dụng một trong các chế tài sau đây:

  • Buộc chấm dứt hành vi vi phạm;
  • Buộc xin lỗi, cải chính công khai;
  • Buộc bồi thường thiệt hại do tài sản, uy tín bị xâm phạm

Ngoài các hình thức nêu trên, theo các điều ước Quốc tế về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp như Hiệp định TRIPs, Hiệp định thương mại Việt Mỹ thì chủ thể thực hiện hành vi xâm phạm còn có thể bị áp dụng các hình thức xử lý khác nhằm mục đích ngăn ngừa khả năng tiếp tục thực hiện hành vi xâm phạm như: Xử lý đối với các sản phẩm, hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp; Xử lý đối với các nguyên liệu, phương tiện được sử dụng để tạo ra các loại sản phẩm, hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp….

2. Biện pháp hành chính

Biện pháp hành chính thường được chủ sở hữu lựa chọn khi xảy ra hành vi xâm phạm vì việc xử lý các hành vi xâm phạm bằng biện pháp hành chính thường được giải quyết trong thời gian ngắn, ngăn chặn kịp thời hành vi xâm phạm nhãn hiệu. Hơn nữa, thủ tục xử lý vi phạm hành chính được tiến hành đơn giản, nhanh gọn, ít tốn kém. Các hình thức xử lý hành chính được quy định tại điều 214 luật SHTT 2005 và điều 3 Nghị định 106/2006/NĐ-CP. Theo đó có hai loại hình phạt là hình phạt chính và hình phạt bổ sung:

2.1 Hình phạt chính:

Phạt cảnh cáo:

được áp dụng đối với trường hợp vô ý vi phạm; vi phạm nhỏ; vi phạm lần đầu và có tình tiết giảm nhẹ hoặc đối với mọi hành vi vi phạm hành chính do người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện.

Phạt tiền:

Căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm, người có thẩm quyền quyết định mức phạt trong khung hình phạt đã quy định. Mức tiền phạt cụ thể đối với hành vi vi phạm là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó trong trường hợp không có tình tiết giảm nhẹ hoặc tăng nặng. Mức trung bình của tiền phạt được tính bằng cách chia đôi tổng số của mức tối thiểu và mức tối đa.

Vi phạm có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được giảm tới mức tối thiểu của khung tiền phạt đã quy định.

Vi phạm có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được tăng đến mức tối đa của khung tiền phạt đã quy định

2.2 Hình phạt bổ sung

– Tịch thu hàng hóa giả mạo về nhãn hiệu, nguyên liệu, vật liệu, phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo về nhãn hiệu.

– Tịch thu văn bằng bảo hộ, tài liệu chứng minh quyền SHCN bị sửa chữa, tẩy xóa.

– Tịch thu giấy tờ, tài liệu bị sửa chữa, tẩy xóa, giả mạo.

– Tước quyền sử dụng có thời hạn hoặc không thời hạn Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện SHCN.

– Tước quyền sử dụng có thời hạn hoặc không thời hạn thẻ giám định viên.

Ngoài ra, tổ chức cá nhân xâm phạm quyền SHTT còn có thể bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc tiêu huỷ vật phẩm, hàng hoá vi phạm; buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên sản phẩm, hàng hoá, phương tiện kinh doanh; buộc phân phối hoặc sử dụng vào mục đích phi thương mại với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác thương mại bình thường của chủ sở hữu quyền SHTT.

3. Biện pháp hình sự

Biện pháp hình sự được áp dụng để xử lý hành vi xâm phạm trong trường hợp hành vi đó có yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Trong việc bảo vệ quyền SHCN đối với nhãn hiệu, biện pháp này thường được cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng đối với các hành vi xâm quyền của chủ sở hữu, gây hậu quả nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của họ, ảnh hưởng đến trật tự xã hội.

Theo các quy định của pháp luật, cụ thể trong bộ luật hình sự 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009 thì cơ chế pháp lý hình sự để bảo vệ quyền SHCN được áp dụng cho các tội danh sau:

  • Tội sản xuất, buôn bán hàng giả (điều 156)
  • Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh. (điều 157)
  • Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng vật nuôi (điều 158)
  • Đặc biệt, bộ luật hình sự sửa đổi bổ sung năm 2009 đã thêm vào một tội danh mới đó là tội xâm phạm quyền SHCN tại điều 171.Theo đó:
    • 1. Người nào cố ý xâm phạm quyền SHCN đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam với quy mô thương mại thì bị phạt tiền từ năm mươi triệu đồng đến năm trăm triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến hai năm.

    • 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tiền từ bốn trăm triệu đồng đến một tỷ đồng hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm

      • a) Có tổ chức
      • b) Phạm tội nhiều lần
      • c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
    • 3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một đến năm năm

Related Posts

Leave a Comment