Nội dung bài viết
Với sự bùng nổ của các nền tảng số, từ mạng xã hội, trang tin điện tử đến hàng loạt ứng dụng di động, Digital Marketing đang trở thành một phần không thể thiếu trong chiến lược marketing tổng thể của doanh nghiệp.
Vì hành vi của con người nhanh chóng được số hoá và một lượng lớn dữ liệu đa kênh liên tục đổ về, các marketers cần xác định được chỉ số quan trọng, đồng nhất chúng về một nguồn và kiểm soát theo thời gian thực. Từ đó có thể nắm được bức tranh tổng quan và kịp thời đưa ra hướng điều chỉnh nếu có vấn đề phát sinh.
Vậy có những mẫu báo cáo digital marketing nào mà bạn có thể áp dụng cho doanh nghiệp của mình? Và làm sao để xây dựng được những báo cáo đó? Hãy cùng INSS tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
1. Mẫu báo cáo digital marketing
1.1/ Báo cáo chất lượng nội dung
Bắt đầu với dữ liệu về thời gian quay vòng (turnaround time), bạn sẽ nắm được tổng thời gian cần thiết để tạo ra nội dung hoàn chỉnh trước khi đưa nó tới tay độc giả. Dữ liệu này có thể được phân nhỏ theo từng bước sản xuất nội dung, từ lên ý tưởng, viết bài, chờ duyệt đến chỉnh sửa và công khai bài viết. Bằng cách này, bạn sẽ kiểm soát được tiến độ và phát hiện bước nào trong quy trình mất nhiều thời gian dẫn đến việc đăng bài bị chậm trễ, từ đó tìm lời giải đáp cho các câu hỏi: Người viết bài đang đối mặt với những khó khăn gì? Tại sao họ vẫn chưa thể giải quyết nó? Bộ phận kiểm duyệt có bị thiếu nhân lực không? Tại sao bước đăng bài lại bị trì hoãn lâu như vậy?
Mẫu báo cáo này cũng thống kê các bài viết hàng đầu tính theo số lượng likes, bình luận và chia sẻ. Bạn có thể phân tích song song các chỉ số này và xem liệu có mối tương quan gì giữa chúng hay không. Sự thật là like, shares, comments chỉ là các số liệu ảo bề nổi và không thể dùng như KPIs quan trọng để đánh giá hiệu suất nội dung. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể tận dụng chúng để xem chủ đề nào thu hút đối tượng mục tiêu, khiến họ để lại tương tác nhiều nhất. Sau đó, đặt like, shares, comments với những KPI quan trọng khác, bạn sẽ tìm ra nguyên nhân phía sau.
Mẫu báo cáo trên có thống kê cả thang điểm Flesch Reading Ease – một thước đo đánh giá xem nội dung của bạn có dễ đọc với độc giả hay không. Thang điểm tính toán dựa trên số câu, số từ, âm tiết và sẽ chấm từ 0 tới 100 tuỳ thuộc vào độ khó. Điều này sẽ giúp tác giả điều chỉnh văn phong và câu chữ sao cho phù hợp với người đọc. Nếu như bài viết của bạn đang bị chấm điểm thấp (khó đọc), vậy thì lượng tương tác, thời gian ở lại trên trang (time on page) và tỷ lệ cuộn xuống dưới (scroll-down) cũng sẽ thấp theo. Đương nhiên là bạn không muốn hạ thấp tiêu chuẩn, chạy theo những thứ ngắn hạn và sản xuất nội dung ít giá trị, nhưng bạn vẫn cần cân nhắc tới doanh thu và lợi nhuận. Nếu bạn không mở phễu ở tầng nhận biết thì số người được chuyển đổi xuống tầng cuối sẽ còn lại rất ít và bạn chẳng còn bao nhiêu cơ hội để cải thiện doanh thu. Hãy cân nhắc mục tiêu của doanh nghiệp để có chiến lược nội dung phù hợp.
1.2/ Báo cáo Google Ads
Google Ads là một nền tảng quảng cáo, nơi bạn (nhà quảng cáo) trả tiền cho mỗi lần nhấp hoặc mỗi lần hiển thị (CPM) trên một quảng cáo.
Dashboard này tập trung vào các dữ liệu về từ khoá. Tổng lượng nhấp chuột được so sánh với các giai đoạn trước đó để bạn nắm được tổng quan hiệu quả hoạt động. Phần từ khoá nổi bật sẽ cho biết từ khoá nào được nhấp chuột nhiều nhất và ngân sách của bạn đang được đổ về đâu. Chi tiết về tỷ lệ CTR trung bình trên từng vị trí mà quảng cáo xuất hiện (average CTR per position) cung cấp tiêu chuẩn cho các bộ từ khóa đang sử dụng, giúp bạn đánh giá xem liệu chiến dịch có hoạt động tốt hay không. Vị trí quảng cáo xuất hiện sẽ ảnh hưởng lớn tới chỉ số CTR, vì vậy bạn nên tối ưu hiển thị để có mức CTR mong muốn.
1.3/ Báo cáo chiến dịch marketing trên mạng xã hội
Một doanh nghiệp thực hiện truyền thông trên nhiều mạng xã hội khác nhau và việc số liệu phân mảnh rời rạc trên các kênh đó khiến doanh nghiệp không có cái nhìn tổng quan về hiệu quả, hoặc mất nhiều thời gian để tổng hợp dữ liệu và không kịp hành động để nắm bắt một xu hướng nào đó. Việc xây dựng hệ thống dữ liệu và tự động kết nối thông tin thành các biểu đồ trực quan, tất cả hiển thị trên một bảng điều khiển, hỗ trợ doanh nghiệp rất nhiều trong đánh giá kết quả hoạt động.
Đây là ví dụ về một Social Media Dashboard với 4 kênh: Facebook, Twitter, Instagram và Youtube. Hoạt động trên mỗi mạng xã hội được đo lường thông qua 7 chỉ số chính và được so sánh với kết quả cùng kỳ, cũng như mục tiêu đã thiết lập từ trước. Chẳng hạn, trên Facebook, số lượng người theo dõi thấp hơn 9% so với mục tiêu đặt ra, nhưng cao hơn 2,3% so với giai đoạn trước. Điều này cho thấy, tuy doanh nghiệp không đặt được mục tiêu đề ra nhưng hiệu quả hoạt động đã có sự cải thiện. Logic này cũng có thể áp dụng với các chỉ số khác như lượt hiển thị (impressions), nhấp chuột vào liên kết (link clicks), tương tác (engagement), giá trị trung bình của đơn hàng (average order value), và thời gian trung bình tạo ra chuyển đổi (average time to conversion). Trong Dashboard trên, chúng ta có thể thấy giá trị trung bình của đơn hàng bị giảm và thời gian trung bình tạo chuyển đổi tăng, vì vậy cần tìm hiểu xem điều gì đã xảy ra trong thời gian tạo chuyển đổi, và nên điều chỉnh hành động thế nào trong tương lai.
1.4/ Báo cáo hiệu quả hoạt động website
Ngày nay, khá nhiều doanh nghiệp sử dụng Google Analytics để theo dõi hành vi của khách hàng trên website. Việc xác định những chỉ số chính và thu thập các chỉ số ấy vào một dashboard sẽ giúp doanh nghiệp phân tích hiệu quả dễ dàng và không bị bỏ lỡ thông tin quan trọng.
Mẫu báo cáo này bao gồm đầy đủ các chỉ số hiệu suất, cho phép bạn quản lý hoạt động website mỗi ngày. Trên cùng của báo cáo là các dữ liệu về tổng số phiên truy cập (number of sessions), người dùng mới (new users), tỷ lệ thoát trang (bounce rate), thời lượng phiên trung bình (average visitor session duration), số lượng chuyển đổi (number of conversions) và tỷ lệ chuyển đổi (conversion rate). Tất cả đều được thống kê theo ngày, theo tuần và theo tháng, giúp bạn dễ dàng phát hiện nếu một chỉ số đang có xu hướng giảm/tăng.
Bên cạnh đó, dashboard cũng bao gồm 4 biểu đồ khác nhau, cho bạn thông tin về các số liệu mang tính chiến lược. Chẳng hạn, bạn sẽ biết hiệu quả marketing ở từng khu vực, từ đó quyết định xem nên đầu tư ngân sách cho khu vực nào. Kiểm soát KPIs theo thời gian thực giúp doanh nghiệp phát hiện nhanh chóng những rào cản trong quá trình vận hành, nắm bắt cơ hội tăng trưởng, nắm bắt xu hướng thị trường và luôn chuẩn bị sẵn sàng, đi trước một bước so với những thay đổi đó.
2. Xây dựng báo cáo marketing cần chú ý gì?
2.1/ Xác định mục tiêu: Bạn cần dữ liệu để làm gì?
Bạn cần đặt đúng câu hỏi, xác định bài toán mà bạn muốn giải quyết. Hãy hiểu rõ bạn muốn gì, để biết nên đo lường chỉ số nào, và sau khi có những chỉ số đó, hãy xác định rõ bạn sẽ làm gì với những insight có được. Nếu bạn không biết mình sẽ làm gì với những thứ bạn muốn đo, vậy bạn phải tự xem xét lại câu hỏi ban đầu của bạn liệu có đủ ý nghĩa hay chưa.
2.2/ Sắp xếp và cấu trúc lại các nhóm dữ liệu thô
Núi dữ liệu được phân nhỏ, sắp xếp lại theo từng nhóm, khi ấy câu chuyện dữ liệu sẽ được tạo thành. Đó có thể là câu chuyện về hành trình chuyển đổi của khách hàng, câu chuyện về hoạt động website hay câu chuyện về tương tác của thương hiệu trên mạng xã hội,… Tại sao chúng ta lại cần phân nhỏ núi dữ liệu và chia chúng thành nhiều câu chuyện nhỏ như vậy? Vì một dữ liệu không thể hỗ trợ cho tất cả các mục đích của doanh nghiệp. Chẳng hạn, các chỉ số như CPC (Cost per click) hay CTR (Click – through – rate) không phục vụ báo cáo chiến lược tập trung vào chi phí một khách hàng phải bỏ ra cho doanh nghiệp.
2.3/ Xác định đối tượng xem báo cáo: Bạn đang làm báo cáo cho ai?
Việc xác định bên liên quan sẽ xem báo cáo là điều cần thiết. Vì một bản báo cáo dành cho phòng Sales sẽ khác với bản báo cáo dành cho ban giám đốc hay cho khách hàng. Tạo ra mẫu báo cáo cho từng nhóm đối tượng cụ thể sẽ giúp bạn tránh việc trình bày lan man và thậm chí nhầm lẫn trong việc đưa ra quyết định.
2.4/ Đừng giấu đi những kết quả không tốt
Đây là điều quan trọng và không bao giờ nên đưa nó ra khỏi danh sách này. Làm sao có thể cải thiện hiệu quả nếu bạn tự che mắt và không phân tích sâu hơn rằng có vấn đề gì đang xảy ra và nguyên nhân đằng sau nó là gì? Thẳng thắn nhìn vào kết quả không tốt và tìm hướng giải quyết sẽ giúp doanh nghiệp đứng vững hơn trên thị trường.
2.5/ Sử dụng hệ thống dữ liệu để tự động cập nhật báo cáo và theo dõi KPI theo thời gian thực
Với hệ thống dữ liệu, bạn sẽ không phải mất hàng giờ đi nhặt số liệu rời rạc ở từng nơi và tổng hợp chúng lại thành một báo cáo, chưa kể việc nhập số thủ công sẽ dễ mắc phải sai sót. Bên cạnh đó, việc tổng hợp mọi dữ liệu liên quan và cập nhật tự động theo thời gian thực giúp bạn có cái nhìn toàn cảnh về kết quả digital marketing đa kênh, từ đó tối ưu chiến dịch và nắm bắt xu hướng thị trường và luôn trong tâm thế chuẩn bị sẵn sàng cho mọi thay đổi.
3. Tạm kết
Bạn có thể đã nghe rất nhiều về cụm từ hệ thống dữ liệu và cho rằng đó là một thứ cao siêu mà chỉ các tổ chức lớn hay các công ty công nghệ mới có thể áp dụng. Tuy nhiên, hệ thống dữ liệu về bản chất là việc bạn tận dụng các công cụ và làm sao kết hợp chúng để ra được bảng dữ liệu quan trọng cần theo dõi. Bạn có thể thu thập và xử lý những dữ liệu này bằng những công cụ đơn giản với chi phí thấp, thậm chí không mất phí như Excel hay Google Sheet. Quan trọng là bạn cần xác định rõ bài toán của mình và hiểu được logic nội tại của từng phương pháp để có thể tận dụng chúng hiệu quả.