Nội dung bài viết
Yêu cầu bảo hộ có thể được hiệu là ranh giới của phạm vi bảo hộ sáng chế, được hiểu như một hàng rào đánh dấu các giới hạn của một khu vườn bằng những hàng rào xung quanh. Do vậy, yêu cầu bảo hộ sáng chế là sự thể hiện cách thực hiện ý tưởng của tác giả sáng chế. Yêu cầu bảo hộ xác định phạm vi bảo hộ sáng chế, cụ thể căn cứ theo:
Điều 23.6 c, d – Thông tư 01/2007/TT-BKHCN và 04/VBHN-BKHCN
c) Phạm vi bảo hộ sáng chế (sau đây gọi là “phạm vi bảo hộ” hoặc “yêu cầu bảo hộ”)
Phạm vi (yêu cầu) bảo hộ được dùng để xác định phạm vi quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế. Phạm vi (yêu cầu) bảo hộ phải được trình bày ngắn gọn, rõ ràng, phù hợp với phần mô tả và hình vẽ, trong đó phải làm rõ những dấu hiệu mới của đối tượng yêu cầu được bảo hộ (sau đây gọi là “đối tượng”) và phải phù hợp với các quy định sau đây:
d) Phạm vi (yêu cầu) bảo hộ phải được phần mô tả minh họa một cách đầy đủ, bao gồm các dấu hiệu kỹ thuật cơ bản cần và đủ để xác định được đối tượng, để đạt được mục đích đề ra và để phân biệt đối tượng với đối tượng đã biết.
Từ đó có thể hiểu rằng phạm vi bảo hộ của sáng chế được thể hiện bằng tập hợp các dấu hiệu kỹ thuật cơ bản cần và đủ để xác định được đối tượng, để đạt được mục đích đề ra và để phân biệt đối tượng với đối tượng đã biết, cụ thể tập hợp các dấu hiệu kỹ thuật này phải được trình bày thành các câu trong phần Yêu cầu bảo hộ thuộc bản mô tả sáng chế.
Các hệ thống pháp luật trên thế giới có thể áp dụng các học thuyết pháp lý khác nhau để giải thích yêu cầu bảo hộ nhưng đối với pháp luật Việt Nam thì yêu cầu bảo hộ giới hạn bên ngoài của việc bảo hộ sáng chế. Yêu cầu bảo hộ sáng chế phải được trình bày rõ ràng và chính xác để công bố với thế giới về nội dung của tác giả sáng chế yêu cầu bảo hộ cho sáng chế của mình.
Ban đầu, yêu cầu bảo hộ được tạo ra nhằm giải thích về đối tượng mà các tác giả sáng chế cho rằng đã sáng chế ra và nộp đơn đăng ký bảo hộ sáng chế của mình. Nhưng ngày nay, yêu cầu bảo hộ xác định phạm vi bảo hộ, độc quyền trao cho sáng chế và là điểm mấu chốt của sáng chế. Trên thực tế, yêu cầu bảo hộ thường là phần đầu tiên của đơn được xem xét và thẩm định ngay cả khi giao kết chuyển giao quyền sử dụng hoặc chuyển nhượng quyền sở hữu, các bên chuyển giao, chuyển nhượng đều tập trung xác định phần quyền của bên chuyển giao, chuyển nhượng sáng chế dựa vào tập các điểm yêu cầu bảo hộ.
Như đã đề cập ở Mục I, bản mô tả sáng chế có trong đơn phải minh họa cho phần yêu cầu bảo hộ sáng chế. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, ngay khi đặt bút vào viết, tác giả sáng chế cần phải tập trung vào phần Yêu cầu bảo hộ sáng chế trước, xác lập ngay các điểm yêu cầu bảo hộ, việc này như thể hiện ý chí bảo hộ sáng chế và xác định ngay phạm vi bảo hộ sáng chế rộng hay hẹp đến mức độ nào, sau đó tinh gọn lại phần yêu cầu bảo hộ, loại bỏ các dấu hiệu kỹ thuật không cần thiết hoặc các dấu hiệu kỹ thuật phụ thuộc, tiếp đến mới quay lại hoàn chỉnh bản mô tả sáng chế.
Cần lưu ý thêm rằng, hệ thống pháp luật của các nước có thể quy định khác nhau về dạng của yêu cầu bảo hộ sáng chế. Lý thuyết về một điểm yêu cầu bảo hộ sáng chế tốt cơ bản là giống nhau trên toàn thế giới. Ví dụ: điểm yêu cầu bảo hộ phải:
- Xác định được đối tượng bảo hộ;
- Rõ ràng và cô đọng ;
- Được minh họa trong bản mô tả sáng chế.
Yêu cầu bảo hộ không nên chưa các thông tin không liên quan đến kỹ thuật, như lợi thế thương mại hoặc các vấn đề kỹ thuật khác mà không nhằm giải quyết mục đích đã đề ra trong phần Bản chất kỹ thuật sáng chế, mặc dù các thông tin đó là được phép và hữu ích.
Từ khóa tìm kiếm : điểm yêu cầu bảo hộ trong bản mô tả sáng chế là gì , điểm yêu cầu bảo hộ trong bản mô tả sáng chế , đăng ký sáng chế , thủ tục đăng ký sáng chế