Ở một số nước, sáng chế có thể được bảo hộ dưới dạng giải pháp hữu ích, còn được gọi là “sáng chế đổi mới”, “sáng kiến hữu ích” hoặc “sáng chế ngắn hạn”.
Các điểm khác nhau chủ yếu giữa giải pháp hữu ích và sáng chế là:
- Các điều kiện để có được sự bảo hộ dưới dạng giải pháp hữu ích ít chặt chẽ hơn so với sáng chế. Trong khi giải pháp hữu ích luôn phải đáp ứng điều kiện về “tính mới” thì điều kiện về “trình độ sáng tạo” hay “tính không hiển nhiên” có thể là ít hơn hoặc thậm chí là không cần thiết. Trên thực tế, việc bảo hộ dưới dạng giải pháp hữu ích thường được thực hiện đối với các sáng kiến có tính chất bổ sung và có thể không đáp ứng các điều kiện bảo hộ đối với sáng chế.
- Thời hạn bảo hộ đối với giải pháp hữu ích thường ngắn hơn so với sáng chế và khác nhau giữa các nước (thường từ 7 đến 10 năm và không được gia hạn).
- Ở hầu hết các nước có quy định bảo hộ giải pháp hữu ích, các cơ quan sáng chế thường không thẩm định nội dung đơn trước khi đăng ký. Điều này có nghĩa là quá trình đăng ký thường đơn giản và nhanh hơn, thường mất tập trung bình khoảng 6 tháng.
- Đăng ký bảo hộ và duy trì hiệu lực của giải pháp hữu ích rẻ hơn nhiều so với đăng ký bảo hộ sáng chế.
- Ở một số nước, việc bảo hộ giải pháp hữu ích chỉ được cấp cho một số lĩnh vực công nghệ nhất định, và bảo hộ đối với sản phẩm mà không bảo hộ quy trình.
Do đó, việc đăng ký bảo hộ dưới hình thức giải pháp hữu ích sẽ phù hợp hơn so với đăng ký bảo hộ dưới dạng độc quyền sáng chế nếu bạn muốn bảo hộ một sản phẩm có vòng đời ngắn hoặc khi bạn muốn tránh phải đợi trong thời gian dài.
Một số nước cho phép nộp đơn đăng ký bảo hộ đồng thời cả sáng chế và giải pháp hữu ích để bạn có thể được hưởng thành quả từ sáng chế của bạn sớm hơn trong khi chờ đợi thời gian cấp bằng độc quyền sáng chế tương đối dài. Nhưng khi được cấp bằng độc quyền sáng chế thì thông thường bạn phải lựa chon một trong hai hình thức bảo hộ cho sáng chế của bạn, nghĩa là bạn không thể nhận được đăng ký cho cả sáng chế và giải pháp hữu ích cùng một lúc cho sản phẩm.