Trong hầu hết các hệ thống pháp luật, đặc biệt là hệ thống pháp luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam, yêu cầu bảo hộ sáng chế thường được viết thành một câu đơn, tức cuối mỗi câu được kết thúc bằng dấu chấm hết. Bắt đầu của mỗi câu bằng một con số định danh của điểm yêu cầu bảo hộ đó, ví dụ: điểm yêu cầu bảo hộ 1. Điểm yêu cầu bảo hộ sáng chế là câu đơn, kết thúc bằng một dấu chấm cuối câu.
Các nội dung, cấu phần của một điểm yêu cầu bảo hộ bao gồm:
Căn cứ theo Điều 23.6 i – Thông tư 01/2007/TT-BKHCN và 04/VBHN-BKHCN
i) Phạm vi (yêu cầu) bảo hộ nên (nhưng không bắt buộc) được thể hiện thành hai phần: “Phần giới hạn” và “Phần khác biệt”, trong đó: “Phần giới hạn” bao gồm tên đối tượng và những dấu hiệu của đối tượng đó trùng với các dấu hiệu của đối tượng đã biết gần nhất và được nối với “Phần khác biệt” bởi cụm từ “khác biệt ở chỗ” hoặc “đặc trưng ở chỗ” hoặc các từ tương đương; “Phần khác biệt” bao gồm các dấu hiệu khác biệt của đối tượng so với đối tượng đã biết gần nhất và các dấu hiệu này kết hợp với các dấu hiệu của “Phần giới hạn” cấu thành đối tượng yêu cầu bảo hộ.
Một điểm yêu cầu bảo hộ sáng chế gồm bao phần cơ bản: phần giới hạn, cụm từ chuyển tiếp và phần khác biệt.
Phần giới hạn là cụm từ giới thiệu nhằm xác định đối tượng của sáng chế yêu cầu được bảo hộ và trình bày phần tình trạng kỹ thuật của sáng chế đã biết trước đó, sau đó thể hiện mục đích của sáng chế nhằm giải quyết những nhược điểm đang tồn tại trong tình trạng kỹ thuật sáng chế.
Ví du: Tác giả sáng chế tạo ra nồi nướng thịt. Do đối tượng của sáng chế là nồi nướng thịt nên phần giới hạn và tên của sáng chế sẽ là như sau:
Thiết bị dùng để nướng thịt
Nhưng giả sử rằng tác giả sáng chế biết sáng chế của mình có thể dùng để nấu các loại thực phẩm tươi, sống thì phần giới hạn có thể diễn đạt theo cách rộng hơn là:
Thiết bị dùng để nướng thực phẩm tươi, sống
Giả sử tiếp rằng tác giả sáng chế biết được sáng chế của mình có thể dùng để nướng các thực phẩm đã qua chế biến các loại thì phần giới hạn có thể diễn đạt rộng hơn nữa là:
Thiết bị dùng để nướng
Sau đó, tiếp theo phần tên đối tượng, tác giả sáng chế nên nêu được các cấu thành bộ phận mà hiện nay các đối tượng tương tự vẫn đang sử dụng và nêu lên được nhược điểm hiện tại của đối tượng đang gặp phải.
Cụm chuyển tiếp là cụm nối tiếp giữa phần giới hạn và phần khác biệt được thể hiện bằng một số cụm từ thông dụng như: khác biệt ở chỗ, đặc trưng ở chỗ, cụ thể,…..
Phần khác biệt của điểm yêu cầu bảo hộ là phần đứng sau cụm từ chuyển tiếp. Phần khác biệt phải chỉ ra các dấu hiệu và giới hạn của điểm yêu cầu bảo hộ đó. Phần khác biệt cũng giải thích cách thức mà một dấu hiệu tồn tại trong mối quan hệ với các dấu hiệu khác. Về cơ bản, phần khác biệt chỉ ra các dấu hiệu và thể hiện mối liên quan lẫn nhau giữa các dấu hiệu của yêu cầu bảo hộ. Ví dụ, phần khác biệt của điểm yêu cầu bảo hộ của điểm yêu cầu bảo hộ dụng cụ đối với một chiếc bàn có thể viết như sau:
Dụng cụ để giữ vật dụng bao gồm:
- Mặt bàn;
- Ít nhất một chân bàn được đặt dưới mặt bàn; khác biệt ở chỗ là
- để có thể giữ các đồ vật không lăn ra khỏi mặt bàn khi mặt bàn nghiêng, ở xung quanh mặt bàn có các cạnh dọc đặt vuông góc với mặt bàn.
Trong điểm yêu cầu bảo hộ này, phần khác biệt của điểm yêu cầu bảo hộ là “để có thể giữ các đồ vật không lăn ra khỏi mặt bàn khi mặt bàn nghiêng, ở xung quanh mặt bàn có các cạnh dọc đặt vuông góc với mặt bàn. Dấu hiệu trong phần khác biệt của điểm yêu cầu bảo hộ này cũng kết nối với mặt bàn. Một điểm yêu cầu bảo hộ không thể chỉ là một bản liệt kê các bộ phận, chúng cần được liên kết, kết nối với nhau theo một cách thức kỹ thuật nào đó.