Phân biệt nhãn hiệu với một số chỉ dẫn thương mại khác gắn với hàng hóa / dịch vụ

by admininss
Phân biệt nhãn hiệu với một số chỉ dẫn thương mại khác gắn với hàng hóa / dịch vụ

Phân biệt nhãn hiệu với một số chỉ dẫn thương mại khác gắn với hàng hóa / dịch vụ

1. Phân biệt nhãn hiệu với nhãn hàng hóa

Trên thực tế có nhiều người nhầm lẫn hai khái niệm này, vì vậy cần phân biệt sự khác nhau về bản chất pháp lý của hai thuật ngữ “nhãn hiệu” và “nhãn hàng hóa”.

Theo Nghị định của chính phủ số 89/2006/NĐ-CP ngày 30/09/2006 về nhãn hàng hóa thì nhãn hàng hóa phải là “bản viết, bản in, bản chụp của chữ, hình vẽ,hình ảnh được dán, in,đính, đúc, chạm, khắc, trực tiếp trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa hoặc trên các chất liệu khác được gắn trên hàng hóa, bao bì, thương phẩm của hàng hóa”.

Nhãn hàng hóa là một phần không thể thiếu được đối với hầu hết các loại hàng hóa, nhãn hàng hóa mang chức năng chính là thông tin trong đó phải có đầy đủ các nội dung bắt buộc.

Nội dung này mang tính mô tả hàng hóa , tên và địa chỉ của thương nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa, chỉ dẫn công dụng, cách sử dụng, khối lượng tịnh của hàng hóa… phải được trình bày theo những yêu cầu bắt buộc, rõ ràng, phù hợp với bao bì của hàng hóa.

Trong khi đó nhãn hiệu là những dấu hiệu được các DN sử dụng để phân biệt sản phẩm cùng loại của mình với sản phẩm của DN khác được thể hiện rất gọn trong biểu tượng dưới dạng hình vẽ, chữ cái, chữ số màu sắc.

Không những có chức năng khác nhau mà nhãn hàng hóa và nhãn hiệu còn khác nhau ở chỗ nhãn hiệu được khuyến khích đăng ký và được nhà nước bảo hộ, còn nhãn hàng hóa phải bắt buộc đăng ký và không được bảo hộ.

Mục đích của việc sử dụng nhãn hàng hóa chủ yếu xuất phát từ lợi ích của xã hội, còn mục đích của việc sử dụng nhãn hiệu là xuất phát từ chính lợi ích của chủ sở hữu nhãn hiệu.

2. Phân biệt nhãn hiệu với tên thương mại

Theo khoản 21 điều 4 luật SHTT2009, tên thương mại được hiểu là “tên gọi tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh, là tập hợp các chữ cái, có thể kèm theo chữ số, phát âm được và có khả năng phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với các chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực kinh doanh”.

Như vậy về thực chất tên thương mại là tên của các DN nói riêng và tên của các chủ thể kinh doanh nói chung.

Từ đó có thể thấy nhãn hiệu và tên thương mại khác nhau ở bốn điểm chú ý sau:

  • Thứ nhất tên thương mại và nhãn hiệu khác nhau ở chức năng của chúng. Nếu như chức năng của nhãn hiệu là phân biệt sản phẩm cùng loại của các chủ thể kinh doanh này với các chủ thể kinh doanh khác thì chức năng của tên thương mại là để phân biệt các chủ thể kinh doanh trogn cùng lĩnh vực kinh doanh.
  • Thứ hai, tên thương mại và nhãn hiệu khác nhau về thủ tục đăng ký bảo hộ, trong khi nhãn hiệu muốn được bảo hộ thì phải đăng kí bảo hộ với cơ quan quản lý trong lĩnh vực SHTT thì tên thương mại không cần phải đăng ký riêng mà chỉ cần đăng ký kinh doanh là bao gồm cả đăng ký tên thương mại rồi.
  • Thứ ba, giữa tên thương mại và nhãn hiệu là nhãn hiệu có thể chuyển giao quyền sử dụng thông qua một hợp đồng Lixăng còn tên thương mại sẽ chỉ được chuyển giao kèm với hành vi chuyển giao cả cơ sở sản xuất kinh doanh chứ không thể chuyển giao một mình tên thương mại được.
  • Một điểm khác biệt nữa là tên thương mại thường được sử dụng lâu dài liên tục trong suốt thời gian tồn tại của chủ thể kinh doanh, còn nhãn hiệu thường chỉ được sử dụng nhất thời cho một vài thế hệ hàng hóa nhất định sau đó nhà sản xuất có thể thay đổi cho phù hợp với thị hiếu của người tiêu dung.

Ví dụ: Honda là tên thương mại và DYLAN hay SPACY là nhãn hiệu.

3. Phân biệt nhãn hiệu với chỉ dẫn địa lý

Theo quy định của Hiệp định TRIPs tại điều 22.1 thì chỉ dẫn địa lý ( CDĐL) là ” Những chỉ dẫn xác định một sản phẩm là có nguồn gốc từ lãnh thổ của một thành viên hoặc từ khu vực hay địa phương của lãnh thổ đó khi chất lượng, uy tín hoặc đặc tính khác của sản phẩm đó chủ yếu gắn với xuất xứ địa lý của nó”.

Trong Luật SHTT 2005 của Việt Nam quy định về chỉ dẫn địa lý như sau ” Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể (khoản 22 điều 4).

Như vậy, CDĐL là để chỉ nguồn gốc, nơi xuất xứ của sản phẩm và do đó nó cũng có khả năng phân biệt nên việc phân biệt nhãn hiệu và CDĐL là cần thiết.

Nhãn hiệu giúp người tiêu dùng xác định DN nào cung cấp hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu hàng hóa trên thị trường trong khi CDĐL giúp người tiêu dùng xác định một khu vực địa lý cụ thể mà trên đó một hoặc một số DN đóng trụ sở và các DN này sản xuất hàng hóa mang CDĐL đó.

Trong khi chủ sở hữu nhãn hiệu được độc quyền sử dụng, được định đoạt, cấm người khác sử dụng hoặc cho phép người khác sử dụng nhãn hiệu đã được bảo hộ thì CDĐL thuộc quyền sở hữu của Nhà nước, Nhà nước trao quyền sử dụng CDĐL cho cá nhân, tổ chức nào sản xuất sản phẩm có những đặc trưng về chất lượng hoặc các đặc tính khác do nguồn gốc địa lý tạo nên mang CDĐL tại địa phương tương ứng và đưa sản phẩm đó ra thị trường.

CDĐL là đối tượng sử dụng chung, không được độc quyền sử dụng. Người sử dụng CDĐL không được quyền chiếm hữu, định đoạt mà chỉ có quyền gắn chỉ dẫn đó lên hàng hóa của mình.

4. Phân biệt nhãn hiệu với thương hiệu

Cho đến nay, trong các văn bản pháp luật của các nước và trong các điều ước quốc tế không có quy định về thương hiệu nhưng thuật ngữ này lại được cộng đồng DN sử dụng rất phổ biến. Cần phân biệt giữa nhãn hiệu ( trademark) và thương hiệu ( brand).

Thương hiệu không phải là một khái niệm pháp lý mà là một khái niệm thương mại. Thương hiệu bao gồm rất nhiều yếu tố tạo nên hình ảnh của một công ty và các sản phẩm của nó.

Nhãn hiệu chỉ là một trong những hình thức thể hiện ra bên ngoài của thương hiệu, cùng với các yếu tố khác như kiểu dáng công nghiệp, quyền tác giả (về mặt pháp lý); truyền thông, quảng cáo hay marketing ( về mặt thương mại).

Thuật ngữ thương hiệu được giới chuyên môn xác định là ” dấu hiệu để người tiêu dùng nhận biết về sản phẩm, chất lượng và giá cả và hình ảnh của DN này với DN khác”

nói cách khác ” thương hiệu là tổng hợp các yếu tố cấu thành khác nhau để tạo ra hình ảnh riêng, bản sắc riêng hoặc dấu ấn riêng mà người tiêu dùng liên tưởng trong tâm trí đối với một DN hoặc một sản phẩm của DN” ( theo Hoài Nam: tin tức hoạt động sở hữu công nghiệp Việt Nam, số 19 tháng 2 năm 2003).

Như vậy có thể thấy nhãn hiệu và thương hiệu là hai phạm trù hoàn toàn khác biệt.

Nhãn hiệu là phạm trù pháp lý, thuộc đối tượng của SHCN và được pháp luật bảo hộ. Thương hiệu thuộc về phạm trù nhận thức của người tiêu dùng đối với sản phẩm, dịch vụ hoặc DN.

Thương hiệu được xem xét dưới góc độ các hoạt động thương mại của DN thể hiện tính cạnh tranh giữa các DN với nhau trên thị trường trong nước hoặc quốc tế.

từ khóa tìm kiếm :  phân biệt nhãn hiệu với một số chỉ dẫn thương mại khác , đăng ký nhãn hiệu , đăng ký logo , thủ tục đăng ký nhãn hiệu logo

Related Posts

Leave a Comment