Nội dung bài viết
1. Xác định phạm vi bảo hộ căn cứ trên yêu cầu bảo hộ
1.1 Vấn đề: Phạm vi bảo họ của sáng chế có liên quan gì đến phần Yêu cầu bảo hộ trong bản mô tả không ?
– Luật SHTT 2005 sửa đổi 2009
Điều 102: Yêu cầu đối với đơn đăng ký sáng chế
1. Tài liệu xác định sáng chế cần bảo hộ trong đơn đăng ký sáng chế bao gồm bản mô tả sáng chế và bản tóm tắt sáng chế. Bản mô tả sáng chế gồm phần mô tả sáng chế và phạm vi bảo hộ sáng chế.
2. Phần mô tả sáng chế phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
- a) Bộc lộ đầy đủ và rõ ràng bản chất của sáng chế đến mức căn cứ vào đó người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng có thể thực hiện được sáng chế đó;
- b) Giải thích vắn tắt hình vẽ kèm theo, nếu cần làm rõ thêm bản chất của sáng chế;
- c) Làm rõ tính mới, trình độ sáng tạo và khả năng áp dụng công nghiệp của sáng chế.
3. Phạm vi bảo hộ sáng chế phải được thể hiện dưới dạng tập hợp các dấu hiệu kỹ thuật cần và đủ để xác định phạm vi quyền đối với sáng chế và phải phù hợp với phần mô tả sáng chế và hình vẽ.
4. Bản tóm tắt sáng chế phải bộc lộ những nội dung chủ yếu về bản chất của sáng chế.
– Nghị định 103/2006:
Điều 16. Phạm vi quyền sở hữu công nghiệp
1. Phạm vi quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý được xác định theo phạm vi bảo hộ được ghi nhận trong Văn bằng bảo hộ.
– Nghị định 105/2006:
Điều 8. Yếu tố xâm phạm quyền sở hữu đối với sáng chế
1. Yếu tố xâm phạm quyền đối với sáng chế có thể thuộc một trong các dạng sau đây:
- a) Sản phẩm hoặc bộ phận (phần) sản phẩm trùng hoặc tương đương với sản phẩm hoặc bộ phận (phần) của sản phẩm thuộc phạm vi bảo hộ sáng chế;
- b) Quy trình trùng hoặc tương đương với quy trình thuộc phạm vi bảo hộ sáng chế;
- c) Sản phẩm hoặc bộ phận (phần) của sản phẩm được sản xuất theo quy trình trùng hoặc tương đương với quy trình thuộc phạm vi bảo hộ sáng chế.
2. Căn cứ để xác định yếu tố xâm phạm quyền đối với sáng chế là phạm vi bảo hộ sáng chế được xác định theo Bằng độc quyền sáng chế, Bằng độc quyền giải pháp hữu ích.
– Thông tư 01/2007 và 04/VBHN-BKHCN
Điều 23.6 c, d
- c) Phạm vi bảo hộ sáng chế (sau đây gọi là “phạm vi bảo hộ” hoặc “yêu cầu bảo hộ”). Phạm vi (yêu cầu) bảo hộ được dùng để xác định phạm vi quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế. Phạm vi (yêu cầu) bảo hộ phải được trình bày ngắn gọn, rõ ràng, phù hợp với phần mô tả và hình vẽ, trong đó phải làm rõ những dấu hiệu mới của đối tượng yêu cầu được bảo hộ (sau đây gọi là “đối tượng”) và phải phù hợp với các quy định sau đây:
- d) Phạm vi (yêu cầu) bảo hộ phải được phần mô tả minh họa một cách đầy đủ, bao gồm các dấu hiệu kỹ thuật cơ bản cần và đủ để xác định được đối tượng, để đạt được mục đích đề ra và để phân biệt đối tượng với đối tượng đã biết.
– Quy chế thẩm định Sáng chế
5.7.3 Yêu cầu bảo hộ
5.7.3.1 Phạm vi (yêu cầu) bảo hộ đối với sáng chế được xác định bởi nội dung của yêu cầu bảo hộ và nội dung này được sử dụng để đánh giá khả năng bảo hộ của đối tượng cần được bảo hộ. Yêu cầu bảo hộ phải đáp ứng các quy định tại điểm 23.6c-m của Thông tư 01
2. Dấu hiệu kỹ thuật / Dấu hiệu kỹ thuật cơ bản trong phạm vi bảo hộ (yêu cầu bảo hộ)
2.1 Vấn đề : Trong các quy định về phạm vi bảo hộ sáng chế, có xuất hiện cụm từ ? “Dấu hiệu kỹ thuật” / “Dấu hiệu kỹ thuật cơ bản”, là gì ?
Phát sinh thêm một khái niệm “Dấu hiệu cơ bản của giải pháp kỹ thuật” / “Dấu hiệu cơ bản khác biệt”
– Luật SHTT : Không có định nghĩa
– Nghị định 103/2006 : Không có định nghĩa
– Nghị định 105 / 2006: Không có định nghĩa
– Thông tư 01/2007 và 04/VBHN-BKHCN
Điều 25.5.d (1) (2) (3) Cách đánh giá tính mới của giải pháp kỹ thuật
- 1. Dấu hiệu cơ bản của giải pháp kỹ thuật có thể là đặc điểm về chức năng, công dụng, cấu tạo, liên kết, thành phần… cùng với các dấu hiệu cơ bản khác tạo thành một tập hợp cần và đủ để xác định bản chất (nội dung) của đối tượng;
- 2. Các dấu hiệu cơ bản của giải pháp kỹ thuật nêu trong đơn, trong các văn bằng bảo hộ được thể hiện tại phạm vi (yêu cầu) bảo hộ sáng chế;
- 3. Các dấu hiệu cơ bản của giải pháp kỹ thuật nêu trong các tài liệu khác được thể hiện và phát hiện theo tài liệu mô tả hoặc dạng thể hiện thực tế của giải pháp kỹ thuật đó
– e) Kết luận về tính mới của giải pháp kỹ thuật
Tương ứng với một điểm của phạm vi (yêu cầu) bảo hộ, giải pháp kỹ thuật nêu trong đơn được coi là mới so với trình độ kỹ thuật trên thế giới nếu:
- 1. Không tìm thấy giải pháp kỹ thuật đối chứng trong quá trình tra cứu thông tin; hoặc
- 2. Có tìm thấy giải pháp kỹ thuật đối chứng nhưng giải pháp kỹ thuật nêu trong đơn có ít nhất một dấu hiệu cơ bản không có mặt trong giải pháp kỹ thuật đối chứng (và dấu hiệu đó được gọi là dấu hiệu cơ bản khác biệt).
– Quy chế thẩm định sáng chế
20.2 Dấu hiệu kỹ thuật khác biệt
Dấu hiệu kỹ thuật khác biệt nghĩa là một hoặc nhiều dấu hiệu kỹ thuật đặc biệt tạo ra sự khác biệt giữa sáng chế, được xem xét một cách tổng thể, so với các giải pháp kỹ thuật đã biết, hay nói cách khác là dấuh iệu giúp mang lại tính mới và trình độ sáng tạo cho sáng chế
3. Giải pháp kỹ thuật trùng / tương tự
3.1 Vấn đề :Thế nào là trùng, thế nào là tương tự ?
– Luật SHTT : Không có định nghĩa “giải pháp kỹ thuật trùng” ; “giải pháp kỹ thuật tương tự”
– Điều 60.1 Tính mới của sáng chế
1. Sáng chế được coi là có tính mới nếu chưa bị bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn đăng ký sáng chế hoặc trước ngày ưu tiên trong trường hợp đơn đăng ký sáng chế được hưởng quyền ưu tiên.
– Nghị định 103/2006 : Không có định nghĩa
– Nghị định 105/2006 : Không có định nghĩa
– Thông tư 01/2007 và 04/VBHN-BKHCN
25.5 Đánh giá tính mới theo quy định tại Điều 60 của Luật Sở hữu trí tuệ
a) Nguồn thông tin tối thiểu bắt buộc
b) Mục đích tra cứu
Mục đích của việc tra cứu thông tin là tìm giải pháp kỹ thuật có bản chất tương tự hoặc trùng lặp với giải pháp kỹ thuật nêu trong đơn.
Trong điểm này:
- 1. Hai giải pháp kỹ thuật được coi là trùng nhau khi có tất cả các dấu hiệu (đặc điểm) cơ bản trùng nhau hoặc tương đương (thay thế được cho nhau);
- 2. Hai giải pháp kỹ thuật được coi là tương tự nhau khi có phần lớn các dấu hiệu (đặc điểm) cơ bản trùng nhau hoặc tương đương (thay thế được cho nhau);
- 3. “Giải pháp kỹ thuật đối chứng” là giải pháp kỹ thuật trùng hoặc tương tự gần nhất với giải pháp kỹ thuật nêu trong đơn;
- 4. “Tài liệu đối chứng” là tài liệu đã mô tả giải pháp kỹ thuật đối chứng hoặc chứng cứ chứng minh giải pháp kỹ thuật đối chứng đã được bộc lộ công khai.
c) Báo cáo tra cứu
Kết quả tra cứu thông tin phải được thể hiện trong báo cáo tra cứu, trong đó phải ghi rõ lĩnh vực tra cứu, phạm vi tra cứu, kết quả tìm kiếm trong phạm vi đó (thống kê các giải pháp kỹ thuật đối chứng tìm thấy được, chỉ rõ các dấu hiệu trùng nhau, tên tài liệu đối chứng, số trang, số dòng, nguồn gốc tài liệu và ngày công bố của tài liệu tương ứng) và phải nêu họ tên người lập báo cáo (người tra cứu).
d) Cách đánh giá tính mới của giải pháp kỹ thuật
Để đánh giá tính mới của giải pháp kỹ thuật nêu trong đơn, phải tiến hành so sánh các dấu hiệu (đặc điểm) cơ bản của giải pháp kỹ thuật đó với các dấu hiệu của giải pháp kỹ thuật đối chứng được tìm thấy trong quá trình tra cứu thông tin; trong đó:
- 1. Dấu hiệu cơ bản của giải pháp kỹ thuật có thể là đặc điểm về chức năng, công dụng, cấu tạo, liên kết, thành phần… cùng với các dấu hiệu cơ bản khác tạo thành một tập hợp cần và đủ để xác định bản chất (nội dung) của đối tượng;
- 2. Các dấu hiệu cơ bản của giải pháp kỹ thuật nêu trong đơn, trong các văn bằng bảo hộ được thể hiện tại phạm vi (yêu cầu) bảo hộ sáng chế;
- 3. Các dấu hiệu cơ bản của giải pháp kỹ thuật nêu trong các tài liệu khác được thể hiện và phát hiện theo tài liệu mô tả hoặc dạng thể hiện thực tế của giải pháp kỹ thuật đó.
e) Kết luận về tính mới của giải pháp kỹ thuật
Tương ứng với một điểm của phạm vi (yêu cầu) bảo hộ, giải pháp kỹ thuật nêu trong đơn được coi là mới so với trình độ kỹ thuật trên thế giới nếu:
- 1. Không tìm thấy giải pháp kỹ thuật đối chứng trong quá trình tra cứu thông tin;
- 2. Có tìm thấy giải pháp kỹ thuật đối chứng nhưng giải pháp kỹ thuật nêu trong đơn có ít nhất một dấu hiệu cơ bản không có mặt trong giải pháp kỹ thuật đối chứng (và dấu hiệu đó được gọi là dấu hiệu cơ bản khác biệt).
– Quy chế thẩm định sáng chế
22.2.1 Các nguyên tắc thẩm định tính mới
(1) Các giải pháp kỹ thuật trùng nhau
So sánh sáng chế đang được thẩm định với những nội dung có liên quan của các giải pháp kỹ thuật đã biết (bao gồm cả các sáng chế được nộp đơn trước đó vào Cục SHTT và được công bố trước ngày nộp đơn/ ngày ưu tiên của đơn đang được thẩm định), nếu lĩnh vực kỹ thuật được đề cập, vấn đề kỹ thuật cần được giải quyết, cách thức kỹ thuật để giải quyết vấn đề đó và những hiệu quả mong muốn của sáng chế đang được thẩm định của giải pháp kỹ thuật đã biết về cơ bản là như nhau thì chúng sẽ được coi là các sáng chế trùng nhau
– 22.2.2.2 Các thuật ngữ mang tính cụ thể và các thuật ngữ mang tính tổng quát
Khi so sánh một sáng chế được yêu cầu bảo hộ với một giải pháp đối chứng, cả hai đều đề cập đến một dấu hiệu kỹ thuật có cùng bản chất nhưng chỉ khác nhau ở điểm : trong sáng chế được yêu cầu bảo hộ, dấu hiệu kỹ thuật đó được thể hiện bằng một thuật ngữ mang tính tổng quát còn trong giải pháp đối chứng thì dấu hiệu kỹ thuật đó được thể hiện bằng một thuật ngữ mang tính cụ thể, thì việc bộc lộ dấu hiệu đó bằng thuật ngữ mang tính cụ thể trong giải pháp đối chứng sẽ làm mất tính mới của đối tượng được thể hiện bằng thuật ngữ mang tính tổng quát
Ngược lại, việc bộc lộ một đốit ượng bằng thuật ngữ mang tính tổng quát trong giải pháp đối chứng lại không làm mất tính mới của sáng chế cho đối tượng đó nhưng được thể hiện bằng thuật ngữ mang tính cụ thể.